Chuyện đó có thể xảy ra ở cửa hàng, tại văn phòng của bác sỹ, hoặc ở bữa tiệc con bạn đã trông đợi nhiều tuần. Cái gì đó xảy ra và con bạn lên cơn tức giận khủng khiếp: la hét, đấm đá, gào khóc. Bạn không thể nói gì để giúp bé bình tĩnh, những người lạ thì há hốc mồm, và trước khi chuyện đó kết thúc, bạn cũng chỉ muốn nằm lăn ra đất và gào thét.

Chính xác thì cơn nổi giận là gì, và đâu là nguyên nhân?

Trẻ nhỏ có thể kiếm soát rất ít đối với cuộc sống của mình và chưa biết dùng từ ngữ để diễn tả mong muốn và sự thất vọng. Cơn tức giận là biểu hiện thất vọng bình thường của một con người bé nhỏ muốn làm theo cách của mình — nhưng chưa có đủ kỹ năng để thể hiện bản thân.

Tuy đây là điều bình thường, nhưng không có nghĩa là không thể tránh khỏi. Đây là một số cách tốt nhất để dập tắt chúng trước khi xảy ra.

7 cách ngăn ngừa cơn tức giận

1. Ghi nhớ những thứ cơ bản.

Con bạn có đang khát, đói, quá mệt, hoặc bị kích thích quá mức không? Có một số tiền đề phổ biến dẫn tới cơn tức giận. Hãy mang theo đồ ăn nhẹ và nước uống khi đi chơi, và tránh những việc có thể kích thích cơn tức giận — ví dụ đi mua sắm — khi bạn biết con bạn đang mệt mỏi.

2. Đưa ra cảnh báo trước 5 phút.

Không ai thích nhìn thấy thứ gì tốt đẹp kết thúc. Báo cho con bạn 5 phút trước khi rời khỏi sân chơi hoặc kết thúc một ngày tụ tập, để đó không trở thành điều bất ngờ. Đề ra các kỳ vọng cho bản thân bạn và nói rõ với con bạn có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn. “Chúng ta sẽ đi trong 10 phút tới. Trong 5 phút nữa mẹ muốn con đi tất và giày và chào tạm biệt mọi người.”

3. Chú ý tới sự chú ý.

Con bạn có thể lên cơn tức giận để tạo sự chú ý của bạn không? Nếu đúng vậy, cần nhớ dành một khoảng thời gian đặc biệt với con, nhưng đừng để cơn tức giận là lý do trực tiếp. (Bạn không muốn củng cố hành vi này.) Khi con bạn cư xử tốt, hãy cho con thấy bạn cũng chú ý tới điều đó nhiều như khi con tức giận. Về cơ bản, hãy chú ý một cách tích cực.

4. Quy tắc thói quen.

Xây dựng các thói quen gia đình — ví dụ, giờ ăn và giờ ngủ bình thường — và tuân theo các thói quen đó. Cuộc sống của trẻ nhỏ đầy sự thay đổi và thường xuyên có các kích thích. Hơn nữa, trẻ lớn rất nhanh — bất kỳ điều gì bạn có thể làm để gia tăng tính ổn định sẽ giúp chúng cảm thấy an toàn hơn.

5. Sử dụng các từ chỉ cảm giác.

Khuyến khích con bạn nêu tên và mô tả cảm giác của mình. Bạn có thể giúp con bạn phát triển từ vựng để diễn đạt suy nghĩ của bé bằng cách nói những câu như, “Mẹ có thể thấy con đang cảm thấy bực tức vì con thực sự muốn ăn vặt”, hoặc “Con có tức giận vì Lily hét vào mặt con không?”

6. Đưa ra các lựa chọn (hạn chế).

Nguyên tắc ở đây rất quan trọng: không để con bạn tự do muốn gì được nấy. Thay vì thế, hãy đưa ra hai hoặc ba lựa chọn khả thi — có thể là đồ ăn nhẹ, một hoạt động hoặc một trang phục. Ví dụ, bạn có thể nói, “Con cần đi giày đến trường vì đó là quy tắc. Con muốn đi giầy thể thao hay bốt?” Bác sỹ nhi khoa Laurel Schultz nhấn mạnh rằng không bao giờ nhượng bộ các vấn đề về an toàn: ví dụ, một đứa trẻ phải thắt dây an toàn dù có muốn hay không.

7. Đánh lạc hướng.

Ở tuổi này, làm phân tâm có tác dụng kỳ diệu. Nếu bạn thấy sắp có rắc rối đối với một thứ nằm ngoài giới hạn, cách tốt nhất là đưa ra một thứ khác. Và nếu con bạn trở nên khó chịu hoặc bị kích thích quá mức, hãy đề xuất một hoạt động khác hoặc đưa bé ra khỏi tình huống đó.

Share on Pinterest